Người Việt ngày càng quan tâm tiền ảo
Nhiều website tiền ảo ghi nhận lượng truy cập lớn từ Việt Nam, các cộng đồng tiền ảo cũng mọc lên nhiều, thu hút hàng chục nghìn thành viên.
Thống kê mới đây của Statista - công ty nghiên cứu thị trường nổi tiếng của Đức - cho thấy Việt Nam đứng thứ hai thế giới về mức độ phổ biến của tiền ảo. Khảo sát được thực hiện trong năm 2020, với số lượng từ 1.000 đến 4.000 người tại nhiều quốc gia. Kết quả, 21% người Việt được khảo sát sở hữu hoặc sử dụng tiền ảo. Tỷ lệ này đưa Việt Nam vào top 2 trong bảng xếp hạng của đơn vị này, sau Nigeria (32%), cao hơn Philippines (20%), Trung Quốc (7%), Mỹ (6%) và Nhật Bản (4%).
Theo trang Bitcoin.com, sự phổ biến tiền điện tử tại Nigeria đến từ việc nước này cho phép thanh toán một số mặt hàng bằng tiền ảo. Tại Philippines, một số sàn giao dịch tiền điện tử được phép hoạt động như một "công ty chuyển tiền". Tại Việt Nam, Bitcoin và các loại tiền ảo "không phải phương tiện thanh toán" và pháp luật Việt Nam cũng không cho phép tiền ảo thực hiện chức năng của đồng tiền. Thế nhưng, ngày càng nhiều người Việt quan tâm đến tiền ảo.
Trung Quốc hiện là một trong những nước có lượng người quan tâm đến tiền ảo hàng đầu thế giới. Ông Phan Đức Nhật, nhà sáng lập một hệ thống quản lý đầu tư tiền kỹ thuật số tại Hà Nội, cho biết "rất nhiều dự án tiền kỹ thuật số khi ra thị trường đều quan tâm đến Việt Nam và có kênh Telegram riêng để hỗ trợ người dùng Việt", anh nói. Ông Nhật cũng nhận định rằng mức độ quan tâm tiền điện tử ở Việt Nam có thể chỉ sau Trung Quốc.
Tiền ảo 'miễn phí' hút người dùng Việt
Nhiều dự án tiền ảo được quảng cáo là "miễn phí" xuất hiện tại Việt Nam thời gian gần đây, như Pi Network, Bee Network... Điểm chung của các dự án này là có thể sử dụng điện thoại thông minh để gia tăng tài khoản tiền ảo. Người dùng được hướng dẫn cài ứng dụng lên smartphone, sau đó đăng ký tài khoản bằng số điện thoại, Facebook ID, và cần nhập mã giới thiệu từ người dùng đi trước. Sau khi đăng ký, tài khoản tiền ảo (như Pi, Bee), sẽ tự động tăng, với điều kiện người dùng cần vào "điểm danh" sau mỗi 24 giờ, và sẽ tăng nhanh hơn nếu mời được nhiều người vào mạng lưới.
"Có mất gì đâu mà không thử. Sau này, mỗi Pi có giá chỉ 1 USD thôi, tôi cũng sẽ có vài nghìn USD", Thế Bách, một người sở hữu gần 1.000 đồng Pi sau hơn 2 tháng tham gia cho biết. Không ít người dùng tại Việt Nam có suy nghĩ tương tự anh Bách. Trên các hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều người "khoe" các tài khoản tiền ảo với hàng nghìn đồng Pi, với hy vọng sau này sẽ có giá như Bitcoin, có thể quy đổi ra tiền thật hoặc hiện vật.
Theo thống kê của Similarweb, Việt Nam đứng thứ hai về lượng truy cập vào website của Pi Network, với mức tăng 266% trong tháng, cao nhất trong các thị trường. Ứng dụng này cũng nhiều lần nằm trong top 10 app được tải nhiều nhất Việt Nam. Nhiều cộng đồng người "đào" Pi trong nước xuất hiện trên mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia.
Anh Nguyễn Việt Dinh, chuyên gia công nghệ thông tin đang làm việc tại Hà Nội, cho biết đã thử tham gia làm node (nút mạng) trong hệ thống thử nghiệm của Pi. Do mọi node trong mạng sẽ đều được kết nối để chia sẻ thông tin với nhau, anh Dinh có thể thấy số lượng máy tính có địa chỉ IP từ Việt Nam. Hiện con số này chiếm khoảng 20% toàn hệ thống, nhiều thứ hai toàn thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Một dự án khác là Bee Network cũng ghi nhận số lượng thành viên đến từ Việt Nam nằm trong top 10 của mạng này.
Nhiều chuyên gia băn khoăn về giá trị của tiền ảo cũng như sự minh bạch của dự án.
"Tôi đã xóa ứng dụng ngay sau khi Pi Network yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân", anh Nhật cho biết. Theo anh Nhật, việc xác thực danh tính KYC vốn được phục vụ cho việc giao dịch nhằm tránh hành vi rửa tiền, nhưng hiện Pi chưa có giao dịch mà đã yêu cầu KYC "là điều bất thường".
Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, chuyên gia Blockchain đang làm việc tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho rằng Pi Network thiếu tính minh bạch của một dự án về blockchain, khi ứng dụng này không công khai mã nguồn. Ngoài ra, tiền chỉ được lưu trên điện thoại hoặc server tập trung, người quản trị có thể thay đổi và tạo ra bao nhiêu tiền tùy theo ý muốn. "Khi đó, đồng tiền cũng không còn giá trị gì", ông Tuấn nói.
Theo chuyên gia an toàn thông tin Ngô Minh Hiếu, người dùng chỉ nên cài ứng dụng lên smartphone nếu chúng thực sự cần thiết và có nguồn gốc rõ ràng. "Quyền và thông tin mà Pi Network yêu cầu, tiềm ẩn khả năng lấy thông tin người dùng và dính mã độc. Khi đó hậu quả sẽ rất khó lường", ông Hiếu nói.